Nguồn gốc và tên gọi giống Sầu Riêng Ri6
Cây sầu riêng đầu dòng của giống này mang mã số S2VL, 20 năm tuổi của Ông Nguyễn Minh Châu (Sáu Ri) xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Theo chủ vườn, cây này được trồng năm 1988 và đã đạt giải A qua Hội thi trái ngon lần II ngày 8/6/1999 tại Viện Cây ăn quả miền Nam, sau đó được nhân giống vô tính trồng rộng rãi. Giống đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận tạm thời theo quyết định số 5309/QĐ/BNN-KHCN ngày 29/11/2002.
Cây sinh trưởng khá tốt, phân cành ngang đều và đẹp, dạng tán cây hình tháp rộng. Lá hình xoan và mặt trên có màu xanh đậm, phiến lá không phẳng. Quả có hình elip, trọng lượng 2-2,5 kg/quả, vỏ quả có màu xanh hơi vàng khi chín, có gai cao, thưa, chân gai hình ngũ cạnh rất rõ. Cơm quả có màu vàng đậm, không xơ, thường không sượng, ráo, độ dày cơm 18,2 mm, tỷ lệ cơm cao (33%), vị béo ngọt (độ brix: 27,3%) mùi thơm (thơm nặng hơn sầu riêng Cơm vàng sữa hạt lép), hạt lép, tỷ lệ hạt thấp (6%).
Cây ghép có thể cho quả sau khi trồng 4 năm, cây dễ điều khiển ra hoa và tỷ lệ đậu quả khá. Từ khi cây ra hoa đến thu hoạch quả từ 105-120 ngày. Vụ quả chính từ tháng 5-7 DL, tuy nhiên cây có thể cho quả rải rác trong năm khi áp dụng biện pháp xử lý ra hoa. Cây năng suất khá cao và ổn định khoảng 46 kg/cây/năm đối với cây 5 năm tuổi. Cây đầu dòng S2VL cho 220 kg/cây/năm ở tuổi 14 năm. Giống sầu riêng Ri6 có hiện tượng “cháy múi” khi quả chín, đặc biệt đối với quả quá to (thường ở cây cho quả lần đầu).
Giống được trồng phổ biến tại các tỉnh như: Bến Tre, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, và Lâm Đồng